KHÓ ĐẺ TRÊN CHÓ MÈO VÀ PHƯƠNG ÁN TRỢ HỖ
Khi thú cưng của bạn chuẩn bị đẻ, điều quan trọng là chúng ta cần chăm sóc và hỗ trợ chúng đúng cách để bé cưng của bạn trải qua quá trình này một cách an toàn. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về vấn đề khó đẻ và phương án hỗ trợ cho bé cưng. Việc nắm rõ thông tin này giúp chúng có thể can thiệp sớm để đảm bảo an toàn cho cả thú mẹ và bầy con!
ĐỊNH NGHĨA
Khó đẻ là thuật ngữ chỉ trường hợp khẩn cấp trong quá trình sinh sản của thú. Nhìn chung tình trạng khó đẻ diễn ra khi thú mẹ không thể sinh con non một cách tự nhiên, trong một khoảng thời gian dài quá mức, làm đe dọa đến tính mạng của cả thú mẹ lẫn con non. Nguy cơ đẻ khó có thể xảy ra ở tất cả các giống chó/mèo và ở mọi lứa tuổi sinh sản khác nhau.
DẤU HIỆU
Nhìn chung chó/mèo khi đẻ khó sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng như sau:
- Các cơn co thắt bụng dưới liên tục, rặn mạnh mà thú con chưa được đẩy ra ngoài
- Thú mẹ sốt cao, đau đớn và mệt mỏi quá mức
- Thấy túi ối, hoặc 1 phần thai nhưng không tống được bào thai ra ngoài
- Chảy máu quá mức trước khi sinh con đầu tiên, hoặc giữa các lần sinh
- Chảy dịch âm hộ có màu xanh hoặc đen và hôi
-T hời gian rặn đẻ hơn 4 tiếng vẫn không thấy thú non
- Thời gian giữa mỗi lần sinh kéo dài hơn 2 tiếng (trong trường hợp dự sinh hơn 2 túi thai)Thời gian mang thai kéo dài hơn 68 ngày, hoặc quá ngày dự sinh trên siêu âm
NGUYÊN NHÂN
Tình trạng khó đẻ có thể xảy ra ở mọi giống vật nuôi và mọi lứa tuổi sinh sản. Nguyên nhân có thể xuất phát từ cả thú mẹ và thai nhi.
Thú mẹ
-Tử cung vô lực (không hoạt động) tiên phát, cơ thể thú mẹ không thể bắt đầu các cơn co tử cung đồng bộ để tống bào thai ra ngoài.
-Giảm trương lực cơ và tử cung vô lực thứ phát có triệu chứng là chấm dứt các cơn co tử cung do mỏi cơ (hết năng lượng), xảy ra khi việc sinh đẻ diễn ra lâu hơn bình thường.
-Bất thường ở cấu trúc xương, nhất là hẹp xương chậu, dẫn đến việc xương chậu không giãn nở đủ để bào thai lọt ra ngoài
-Thể trạng béo phì
-Thời điểm mang thai quá sớm, cơ quan trên thú mẹ chưa phát triển hoàn chỉnh để có thể mang thai
-Tâm lý căng thẳng, stress khi lần đầu làm mẹ, sợ hãi gây xuất huyết đường sinh dục, vỡ ối trước, thai chết ngạt không ra được gây “tắc nghẽn” cho các thai sau.
-Giống: các giống chó nhỏ con như Chihuahua, Phốc sóc, Yorkshire Terrier… có kết cấu xương chậu hẹp, dẫn đến thai không thể lọt qua cửa khung xương chậu. Giống to hơn như chó Bull có cấu tạo hộp sọ ở chó con rất lớn nên thường khó sinh. Các giống mèo chân ngắn, mèo Siamese, Persians, Ragdoll..
-Viêm tủ cưng, ung thư tử cung, u nang hoặc kết dính (vìcan thiệp ngoại khoa, bị viêm nhiễm trước đó)
-Thú mẹ lớn tuổi trung bình trên 4 năm, nguy cơ đẻ khó cao vì tình trạng khung xương chậu không còn sụn dẫn đến sức đàn hồi kém.
Thai nhi
-Bào thai lớn hơn khả năng gian nở của thú mẹ
-Dáng nằm, vị trí và tư thế bất thường của bào thai trên đường sinh sản
-Thai chết lưu
CHẨN ĐOÁN
Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ thú y thường dựa vào tiểu sử chi tiết về thể trạng và sức khỏe lâm sàng của thú mẹ, bao gồm bất kỳ các thông tin về nòi giống, chi tiết số lần mang thai, bệnh sử, khoảng thời gian tính từ lúc chuyển dạ và các vấn đề sinh sản trước đó,...
Ngoài ra cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết cho hiệu quả chẩn đoán cao, bao gồm:
Siêu âm đánh giá khả năng sống sót của thai, dị tật và suy thai
Xét nghiệm máu kiểm tra các chỉ số ở mức tối thiểu, định lượng tế bào máu (PCV), xét nghiệm protein toàn phần, BUN (xét nghiệm đo lượng urea nitrogen trong máu), glucose trong máu, và đo nồng độ canxi.
Xquang xác định ước chừng số lượng, kích cỡ, vị trí của bào thai.
Như vậy bạn cần tìm chọn những địa chỉ thú y uy tín với chuyên môn cao và cơ sở vật chất hiện đại cho hiệu quả cao và kịp thời.
CAN THIỆP VÀ ĐIỀU TRỊ
Thú mẹ kiệt sức và được chẩn đoán khó sinh nên được điều trị nội trú cho đến khi tất cả con non ra đời và cho đến khi thú mẹ ổn định.
Nếu thú mẹ còn khỏe mạnh, tử cung có thể co bóp và tình trạng thai nhi không căng thẳng, thú mẹ sẽ được ưu tiên hỗ trợ điều trị an thai dựa theo các tình trạng lâm sàng của thú mẹ. Progesteron, oxytocin, glucose và canxi có thể được bổ sung khi cần thiết.
Đỡ đẻ bằng tay có thể là cần thiết để đỡ thai nhi đã nằm ở vòm âm đạo có thể sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để hỗ trợ việc đỡ đẻ. Trong suốt quá trình, bác sĩ thú y sẽ sử dụng vừa đủ chất bôi trơn, luôn luôn đặt một ngón tay ở vòm âm đạo để điều khiển dụng cụ và luôn đặc biệt chú ý đến sự sống của cả thú mẹ và thú non.
Những trường hợp này cần cực kỳ thận trọng. Các biến chứng không mong muốn bao gồm phải loại bỏ thai nhi và rách ống âm đạo hoặc tử cung. Không bao giờ được kéo các chi của một bào thai sống. Nếu không thể đỡ đẻ bào thai trong vòng 30 phút, bác sĩ sẽ chỉ định đẻ mổ.
CHĂM SÓC VÀ PHÒNG NGỪA
Cung cấp chế độ hoạt động và ăn uống phù hợp khi đang mang thai, Không bồi bổ quá nhiều chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thai phát triển quá to.
Hạn chế tối đa việc cho sinh nở đối với các thú cưng có tiền sử khó đẻ.. Chọn giống chó/mèo để phối một cách hợp lý…
Dự đoán ngày sinh cho thú mẹ và chuẩn bị cho quá trình đón con non. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng xác định ngày dự sinh chỉ là ước tính và có thể sai lệch.
Tránh cho mèo tiếp xúc với các loại hóa chất có thể gây hại cho thai nhi như thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc và các chất tẩy rửa mạnh.
Thú cưng nên được tiêm phòng vaccine cần thiết để tăng cường sức đề kháng của mình và bảo vệ sức khỏe cho cả thú mẹ và thai nhi.
Thú mẹ thường sinh vào nửa đêm hoặc sáng sớm. Thời điểm này không thuận lợi để đưa đến bác sĩ thú y. Bạn có thể để chúng di chuyển chậm rãi, mát sa nhẹ nhàng phần bụng của chúng. Đồng thời cho ăn một chút ít đồ ăn dinh dưỡng, để giúp chúng đỡ căng thẳng và dễ sinh hơn.
Sau khi thú mẹ hạ sinh các con thành công, có một số chú ý sau mà bạn cần nên quan tâm:
Giữ cho cả mẹ và con luôn ấm áp và khô ráo sau khi sinh. Chúng ta có thể sử dụng khăn ấm hoặc chăn để giữ ấm cho chúng.
Theo dõi sức khỏe thú mẹ: Sau khi sinh, thú mẹ sẽ rất mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, chúng ta cần theo dõi và đảm bảo rằng thú mẹ không gặp phải bất kỳ vấn đề sức khỏe nào như sốt cao, viêm nhiễm hoặc khó thở.
Kiểm tra sức khỏe thú con: Để đảm bảo rằng thú con được khỏe mạnh và ổn định.
Cung cấp đầy đủ thức ăn và chất dinh dưỡng cần thiết cho thú mẹ
Đặc biệt, không nên tắm cho mèo sau khi sinh.
KẾT LUẬN
Khi các triệu chứng kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến con non (chết ngạt do vỡ túi ối, ngạt do kẹt)… Vì vậy khi thú mẹ có dấu hiệu chuyển dạ quá lâu hoặc nghi ngờ đẻ khó, bạn nên đưa thú đến bác sĩ thú y ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia nếu tình trạng không cải thiện hoặc bạn cảm thấy lo lắng, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ thú y ngay lập tức.